So với các món ăn truyền thống của Việt Nam, bánh mì có xuất xứ rất “Tây”. Thế nhưng bằng một cách nào đó, bánh mì lại trở thành nét tiêu biểu cho ẩm thực bình dân của người Việt.
Bánh mì đã được Việt hóa như thế nào?
Hầu như mọi người đều biết rằng nguồn gốc của chiếc bánh mì Việt Nam hiện nay có tiền thân là chiếc Baguette mà người Pháp đã mang đến Việt Nam từ thế kỷ 19. Món bánh này nhanh chóng được người Việt đón nhận và thưởng thức theo phong cách ẩm thực riêng tùy theo vùng miền. Thế nhưng để đánh dấu sự thay đổi và hình thành nên phong cách ẩm thực đậm nét như hiện nay chính là nhờ hàng bánh mì Hòa Mã của ông Hòa và bà Tịnh, xuất hiện trên đất Gia Định (Sài Gòn) vào năm 1958.

Bánh mì Hòa Mã vẫn quyến rũ người Việt hơn nửa thế kỷ qua
Bà Tịnh là người từng có kinh nghiệm làm việc cho hãng thịt nguội - chuyên cung cấp sản phẩm cho nhà hàng Pháp ở Hà Nội. Khi 2 vợ chồng chuyển vào Sài Gòn, họ quyết định mở một tiệm bánh mì.
Ban đầu cách trình bày món ăn của tiệm mang đậm hơi thở ẩm thực Pháp, bánh mì được đặt trên đĩa, trải thịt nguội bên cạnh, sử dụng chung với dao và nĩa đúng chuẩn một bữa ăn phương Tây.
Thế nhưng sau khi đi vào hoạt động, dựa theo thực tế thì 2 vợ chồng nhận ra rằng không phải ai cũng có nhiều thời gian, người mua cần một món ăn để lấp đầy dạ dày rỗng rồi nhanh chóng quay lại công việc. Vì thế 2 vợ chồng quyết định biến tấu bánh mì, thay vì cách ăn kiểu Pháp có phần kiểu cách, họ xẻ bánh mì rồi kẹp tất cả phần thịt, chả lụa, pate, bơ,... vào bánh mì để khách mua tiện mang theo bên mình. Cách biến tấu này nhanh chóng được đón nhận bởi giới công chức, học sinh - sinh viên,... và trở thành trào lưu để các tiệm bánh khác học hỏi theo. Cách bán “bánh mì kẹp” này phổ biến cho đến tận bây giờ khi món bánh mì đã phổ biến khắp hang cùng ngõ hẻm của Việt Nam.
Bánh mì Việt Nam đặc biệt bởi đây sự kết hợp giữa lớp ngoài thanh lịch của ẩm thực Pháp, nhưng phần nhân bên trong đậm chất huyền bí, tươi ngon của ẩm thực phương Đông. Nếu đã một lần được thưởng thức, thực khách sẽ muốn ăn thêm một lần và nhiều lần nữa.

Món bánh mì chảo nức tiếng của bánh mì Hòa Mã
Cho đến nay, sau hơn nửa thế kỉ, tiệm bánh mì Hòa Mã vẫn cho ra những suất bánh mì hấp dẫn thực khách tứ phương mỗi ngày tại 53 Cao Thắng, Quận 3.
Bánh mì trong mắt người Việt
Bánh mì được lựa chọn là món ăn sáng lý tưởng và phổ biến nhất với người Việt khi mỗi người đều có thể chọn lựa cách ăn sáng tạo riêng mình. Nếu không thích một ổ bánh ngập nhân với nhiều loại thịt thơm ngon như thịt nguội, thịt nướng, chả da, xíu mại,... bạn hoàn toàn có thể ăn kèm với các loại bơ, sữa đặc, mứt hoa quả,... Thay vì ăn riêng lẻ, bánh mì còn có thể thay thế bánh quẩy, trở thành đồ chấm cho các món nước như bánh canh, bún,... Trong các nhà hàng vẫn thường phục vụ bánh mì cùng với đồ uống như sữa tươi, bởi nhờ có bánh mì, sữa tươi sẽ được hấp thụ tốt hơn.
Có lẽ hiếm có món ăn nào như bánh mì khi độ phổ biến trải đều ở mọi tầng lớp, mọi phân khúc giá từ bình dân đến cao cấp. Trên đường phố, chúng ta dễ dàng thấy được hình ảnh các bạn sinh viên đang vừa cắm cúi đọc sách trong quán ăn trên tay cầm ổ bánh gặm dở, anh thợ xây ăn bánh mì nhấm nháp trà đá trước buổi làm, cô gái làm văn phòng đang điệu nghệ xé chiếc bánh mì chấm xíu mại,... Tất cả những hình ảnh ấy tổng hòa nên một nét văn hóa ẩm thực vô cùng đẹp đẽ.

Bánh mì là món ăn gắn liền với thời sinh viên
Bạn Thu Hằng - một sinh viên đang học ở Đà Nẵng chia sẻ: "Với sinh viên như mình, bánh mì được xem là giải pháp chống đói tuyệt vời cho những buổi lên giảng đường vội hoặc những khoảng nghỉ giữa các tiết học với nhau. Bánh mì không chỉ cứu đói trong ngày đi học mà còn trong mùa đồ án, cho nên sinh viên ai cũng quen mặt với các cô bán bánh mì. Tại vì món này mua ở đâu cũng có, giá lại rẻ chỉ từ 10.000 - 25.000 đồng, hoàn toàn phù hợp với sinh viên tụi mình. Sau này ra trường, nếu ai hỏi món ăn nào gắn liền với thời sinh viên của mình, đó chắc chắn là bánh mì rồi."
Đối với mỗi nghề nghiệp, mỗi tầng lớp, bánh mì lại có ý nghĩa khác nhau. Đối với nhiều người, bánh mì có thể chỉ là một trong hàng trăm sự lựa chọn cho bữa ăn. Nhưng đối với những người khác, đó là lại là món ăn thiết yếu, là cứu cánh sinh tồn. Dù mang ý nghĩa gì, thì đối với người Việt, bánh mì cũng đã trở nên quen thuộc, người Việt yêu bánh mì cũng như yêu những bữa cơm mẹ nấu.
Bánh mì không tạo ra văn hóa ẩm thực, bánh mì chính là văn hóa ẩm thực
Bất kỳ ở đâu trên đường phố, khi bạn tìm được một xe bánh mì hoặc một tiệm bánh nhỏ xinh, hãy gọi ngay một ổ bánh đầy ắp nhân, ngồi xuống chiếc ghế nhỏ ven đường để thưởng thức trọn vẹn hương vị của “sandwich ngon nhất thế giới” này. Hơ nóng chiếc bánh mì cho lớp vỏ thêm giòn, phần nhân bên trong ngấm nước sốt. Chỉ cần cắn một miếng, bạn sẽ đồng thời cảm nhận sự giòn ấm từ vỏ bánh, mềm mại thơm tho của phần nhân thịt, sự tươi mới của rau củ ăn kèm. Tất cả hòa quyện thành một bản hoan ca, đưa vị giác của bạn lên nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau.

Hoa hậu H'hen Niê thưởng thức bánh mì xíu mại trên hè phố
Mỗi món ăn Việt Nam lại có một nét văn hóa riêng biệt gắn liền khác nhau. Nếu như phở là món được mặc định “sang chảnh”, thường được thưởng thức ở các quán xá, nhà hàng lớn thì riêng bánh mì lại kéo mọi người về gần nhau hơn khi chiếm lĩnh mọi đường phố.
Có lẽ bánh mì là món ăn duy nhất mà ngồi ở đâu ăn cũng thấy hợp mắt, từ lề đường, phòng học, quán ăn,... cho đến nhà hàng. Dường như bản thân món bánh mì đã tạo ra một văn hóa ăn uống riêng biệt cho người Việt Nam, chứ không còn phụ thuộc vào ngoại cảnh nữa rồi.

Thủ tướng Australia ăn bánh mì trên quán vỉa hè Đà Nẵng
Cho dù là người nổi tiếng hay nguyên thủ quốc gia, thì khi thưởng thức bánh mì Việt Nam, đều phải ngồi trên đường phố mới đúng điệu. Chiếc bánh mì nhỏ bé là thế, nhưng sức lan tỏa văn hóa lại vô cùng mạnh mẽ.
Cũng như trong câu chuyện 2 chàng trai xứ Quảng mở tiệm bánh mì trên đất Nhật đã có một câu Slogan rất hay: “Taste Banh Mi, taste Vietnam”. Thông qua món ăn này, thực khách quốc tế sẽ phần nào hiểu được về ẩm thực Việt - một nét văn hóa của Việt Nam.
Bánh mì từ món ăn đường phố đã trở thành niềm tự hào của người Việt để “khoe” với bạn bè năm châu. Trong cuộc thi Miss Universe năm 2018, hoa hậu H'hen Niê đã mặc lên bộ quốc phục lấy cảm hứng từ những chiếc bánh mì ngập nhân - hình ảnh quen thuộc của ẩm thực đường phố. Bộ trang phục này phần nào chứng tỏ sức hút của chiếc bánh mì và đóng góp của món ăn này trong việc lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Bộ quốc phục lấy cảm hứng thiết kế từ bánh mì tại cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ
Bánh mì Việt Nam trong mắt thực khách quốc tế
Những lời khen có cánh về món ăn của người Việt đến từ thực khách quốc tế vô cùng nhiều. Rất nhiều du khách đến Việt Nam du lịch có thể ăn bánh mì mỗi ngày, thậm chí là nhiều hơn 2 ổ trong một bữa. Nhờ vào hương vị ngon miệng khác biệt và độ nổi tiếng, tên món ăn này được xem là một danh từ riêng, được đưa vào từ điển Oxford. Chỉ đơn giản là “Banh Mi” chứ không phải “Vietnamese Sandwich” hay “Vietnamese Baguette”. Những tưởng đây chỉ là tên gọi, nhưng không, đó chính là một sự công nhận. Một sự công nhận tầm quốc tế, rằng đây là món ăn độc đáo của riêng người Việt chứ không phải là phiên bản Việt của bất cứ món bánh nước ngoài nào.

Bánh mì Việt Nam xuất hiện trên Doodle của Google vào ngày 24/03/2020
Vào ngày 24/3/2020, Google Doodle đã vinh danh bánh mì Việt Nam trên trang chủ Google, sánh cùng với các quốc gia như Singapore, Canada, Mĩ, Pháp, Thụy Sĩ, Úc,...
Tự hào được đóng góp một phần công sức cho các thương hiệu bánh mì lớn, đưa tên tuổi bánh mì Việt Nam vươn xa ở thị trường trong và ngoài nước. Kiến An xem lao động chính là niềm đam mê và lý tưởng sống khi là đơn vị cung cấp dây chuyền làm bánh chuyên nghiệp với thâm niên hơn 20 năm.
Với phương châm làm việc không ngừng tìm tòi và nâng cấp sản phẩm nhằm tối ưu năng suất và chất lượng sản xuất cho sản phẩm, Inox Kiến An được nhiều khách hàng trong và ngoài nước tin cậy chọn lựa. Làm việc bằng niềm đam mê và tình yêu với khát vọng đưa ẩm thực Việt Nam lên một tầm cao mới, Kiến An luôn cố gắng nâng cấp mỗi ngày để phù hợp với xu thế phát triển của thị trường.
Quý khách hàng có nhu cầu đầu tư nâng cấp quy trình máy móc chuyên nghiệp hoặc tư vấn thành lập dây chuyền sản xuất bánh, liên hệ ngay với Kiến An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!
>>> Xem thêm: Máy trộn bột
>>> Xem thêm: Lò nướng 10 khay
>>> Xem thêm: Lò nướng bánh
Công ty TNHH XNK Kiến An

- Trụ sở chính: Hẻm C7C/17 đường Phạm Hùng, Quận 8, TPHCM
- VPĐD Cần Thơ: 388 Nguyễn Văn Cừ, phường An Khánh, Quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ.
- VPĐD Nha Trang: Số 07 Nguyễn Khanh, Phường Phước Hải, TP Nha Trang.
- VPĐD BMT: Số 2 Nguyễn Công Hoan, TP BMT.
- VPĐD Hà Nội: Số 4/50 Nguyễn Hữu Thọ, Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội.
Phương thức liên hệ:
Từ khóa: